Đề xuất mới về kiểm soát Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đến hết quý II năm nay hơn 7.400 tỷ đồng và đề xuất ngân hàng tham gia kiểm soát Quỹ BOG nhằm bảo đảm việc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trích lập tiền vào quỹ đúng quy định. Trong số 7.400 tỷ đồng quý II, số tiền trích vào Quỹ BOG ở mức 1.779 tỷ đồng, số tiền trích quỹ 5,91 tỷ đồng.
Dù doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất bỏ nhưng Bộ Tài chính giữ quan điểm duy trì Quỹ BOG để tạo bước đệm bình ổn giá. Bộ Tài chính đề xuất, để duy trì quỹ, cần bổ sung thêm giải pháp đồng bộ liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu nhằm tránh bị chiếm dụng quỹ như xảy ra với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil vừa qua.
Trong quá trình sửa Nghị định 95, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý, đề nghị thống nhất quản lý một đầu mối về vận hành và có Quỹ BOG. Bộ Tài chính đề xuất, nếu duy trì Quỹ, Nghị định mới bổ sung giải pháp đồng bộ. Tiêu biểu như, đề xuất quy định rõ vai trò, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu mở tại đây, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu.
Bùng nổ nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong những năm tới
Theo Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dựa trên các chính sách toàn cầu, có khả năng rằng nhu cầu cho ba loại nhiên liệu hóa thạch dầu mỏ, khí đốt, than đá có thể lần đầu tiên đạt đỉnh trong những năm tới.
Sự chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng hơn so với những dự đoán ban đầu. Có nhiều yếu tố góp phần vào kết quả này, trong đó công nghệ năng lượng sạch và phát triển của xe điện đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, sự thay đổi trong nền kinh tế của Trung Quốc – một trong những quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hàng đầu trên thế giới, và quyết định của châu Âu về việc ngừng sử dụng khí đốt từ Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine cũng đóng góp đáng kể vào tình hình này.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, dự báo mới từ IEA là một bằng chứng rõ ràng cho sự tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Các công nghệ năng lượng tái tạo hiện đã đủ mạnh và cạnh tranh về mặt chi phí so với nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ hội hấp dẫn cho việc áp dụng chúng rộng rãi hơn trong tương lai.
Nguồn cung dầu mỏ có thể sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong quý IV
Theo hãng tin Bloomberg, dữ liệu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới công bố cho thấy nguồn cung dầu mỏ thế giới có thể sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong quý IV khi nhu cầu tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC, tuần trước thông báo sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Báo cáo từ OPEC chỉ ra rằng dự trữ dầu thế giới đã cạn kiệt trong quý III, thậm chí còn giảm mạnh hơn khoảng 3,3 triệu thùng/ngày trong 3 tháng tới. Nếu dự báo của OPEC trở thành hiện thực, đây có thể là đợt giảm tồn kho lớn nhất kể từ năm 2007.
Ngày 13/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cảnh báo việc Ả Rập Saudi và Nga cắt giảm sản lượng khai thác dầu sẽ gây thiếu hụt đáng kể nguồn cung dầu mỏ của thế giới cho đến cuối năm nay. Cơ quan này cho biết thêm dự trữ dầu sẽ ở mức thấp nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra một đợt biến động khác không có lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, trong bối cảnh môi trường kinh tế mong manh.
Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga tăng vọt trong tháng 8
Trong Báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên 17,1 tỷ USD trong tháng 8, tăng 1,8 tỷ USD so với tháng 7, do giá dầu cao hơn bù đắp cho khối lượng xuất khẩu thấp hơn.
IEA cho biết tổng xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu của Nga ước tính giảm khoảng 150.000 thùng/ngày từ tháng 7 xuống 7,2 triệu thùng/ngày trong tháng 8, dẫn đầu bởi xuất khẩu sản phẩm thấp hơn. Mức xuất khẩu trong tháng 8/2023 thấp hơn 570.000 thùng/ngày so với mức được thấy trong tháng 8/2022.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga công bố cho thấy, giá loại dầu thô hàng đầu của Nga, Urals, đạt trung bình 74 USD/thùng trong tháng 8 vừa qua, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, nhưng cao hơn nhiều so với mức giá trần của G7 là 60 USD/thùng và cao hơn mức trung bình tháng 7 là 64,37 USD/thùng.
Để so sánh, giá trung bình của dầu Brent Biển Bắc là 86,20 USD/thùng trong tháng 8. Dữ liệu từ nhà chức trách Nga cũng cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 8/2023, giá trung bình của Urals là 56,58 USD/thùng, so với mức trung bình 82,13 USD/thùng trong cùng kỳ năm 2022. Tháng 8 là tháng thứ hai liên tiếp giá Urals trung bình của Nga vượt quá mức giá trần 60 USD/thùng.
BP sẽ rót 10,75 tỷ USD vào năng lượng sạch ở Đức đến năm 2030
Gã khổng lồ năng lượng của Anh BP dự kiến sẽ đầu tư tới 10,75 tỷ USD (10 tỷ euro) vào các giải pháp năng lượng ít carbon ở Đức cho đến năm 2030 khi công ty này tìm cách đẩy nhanh quá trình phát triển các trạm sạc xe điện và khử cacbon trong các hoạt động lọc dầu của mình, Oil Price đưa tin.
BP có kế hoạch mở rộng hơn nữa mạng lưới sạc xe điện ở Đức, tiến sang lĩnh vực điện gió ngoài khơi, hoạt động khử carbon tại hai nhà máy lọc dầu trong nước và xem xét thành lập một trung tâm nhập khẩu hydro được sản xuất với mức phát thải carbon thấp.
Hiện tại, BP cung cấp 22.000 điểm sạc xe điện và đặt mục tiêu có hơn 100.000 điểm trên toàn thế giới vào năm 2030. Đức là trụ cột chính trong hoạt động cung cấp dịch vụ cho xe điện của công ty, với khoảng 1.500 điểm sạc nhanh trên khắp đất nước cho đến hiện tại. BP đặt mục tiêu có tới 20.000 điểm sạc xe điện ở Đức vào cuối thập niên này.