Doanh thu từ dầu mỏ của Nga cao nhất kể từ tháng 10/2022; Trung Quốc ghi nhận sản lượng dầu khí tăng trong tháng 8; Giá điện tại Pháp có thể tăng tới 10% vào đầu năm 2024… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 17/9/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga cao nhất kể từ tháng 10/2022
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 8/2023, Nga đã thu được 17,1 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô, tăng 11,8% và cao hơn 1,8 tỷ USD so với tháng Bảy. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 10/2022 và cao nhất trong những tháng gần đây. Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ giảm 150.000 thùng/ngày xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày song giá bán cao đã bù đắp.
Kể từ cuối tháng 6/2023, giá dầu WTI đã tăng 26%, lên khoảng 93 USD/thùng và giá dầu Urals của Nga tại thời điểm này đã tăng 33%. Cần lưu ý rằng do việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng, giá của cả hai loại dầu trên đều đạt mức cao nhất trong gần 10 tháng qua. Business Insider đánh giá doanh thu từ dầu mỏ tăng có thể sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nga.
Hãng thông tấn TASS đưa tin, chính phủ Nga đang xem xét hai phương án để ổn định giá xăng dầu trong nước, bao gồm cấm hoàn toàn việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ trong một thời gian nhất định để bão hòa thị trường, cũng như tăng thuế xuất khẩu lên 250 USD/tấn các sản phẩm xăng dầu.
Trung Quốc ghi nhận sản lượng dầu khí tăng trong tháng 8
Sản lượng dầu khí của Trung Quốc tiếp tục ghi nhận đà tăng ổn định trong tháng 8, Tân Hoa Xã trích dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Cụ thể, quốc gia này khai thác 17,47 triệu tấn dầu thô trong tháng trước, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu 52,8 triệu tấn dầu, tăng mạnh 30,9% so với cùng kỳ, theo dữ liệu từ Cục Thống kê. Ngoài ra, quốc gia này cũng xử lý 64,69 triệu tấn dầu thô trong tháng, cao hơn 19,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Về khai thác khí, Trung Quốc ghi nhận sản lượng 18,1 tỷ mét khối trong tháng 8, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Khí đốt nhập khẩu cũng tăng mạnh 22,7% lên 10,86 triệu tấn, với mức tăng cao hơn 3,8 điểm phần trăm so với tháng 7. Trong 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng khí đốt khai thác của Trung Quốc đạt 152,1 tỷ mét khối, tăng 5,7%.
Giá điện tại Pháp có thể tăng tới 10% vào đầu năm 2024
Cơ quan Quản lý năng lượng Pháp (CRE) cho biết, giá điện của nước này có thể tăng tới 10% vào đầu năm 2024, đồng thời cảnh báo vẫn còn quá sớm để nói chính xác người tiêu dùng, vốn đã gặp khó khăn do lạm phát tăng cao, sẽ phải chi trả bao nhiêu để tiếp tục sử dụng điện vào năm tới.
Vào tháng 8/2023, Pháp đã bắt đầu dỡ bỏ dần giới hạn giá điện, được áp dụng để giúp các hộ gia đình đối phó với hóa đơn năng lượng tăng vọt kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2/2022. Mặc dù lạm phát đã chậm lại trong những tháng gần đây, nhưng vẫn là trọng tâm trong chính sách của các nhà hoạch định ở Pháp và châu Âu khi họ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ thu nhập hộ gia đình.
Bà Emmanuelle Wargon, người đứng đầu CRE, cho biết, vẫn còn quá sớm để đưa ra các tính toán chính xác về mức giá điện cố định mà người tiêu dùng Pháp có thể lựa chọn trong năm tới. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông loại trừ khả năng tăng giá điện 10-20% vào đầu năm 2024, nhưng cũng không đưa ra bình luận nào về khả năng tăng giá 10%. Cách tính giá điện của CRE sau khi hoàn tất sẽ được đệ trình lên chính phủ phê duyệt.
Thụy Sỹ nói không cần thỏa thuận về điện với EU “bằng bất cứ giá nào”
Trả lời phỏng vấn tờ Neue Zürcher Zeitung (NZZ), ngày 16/9, Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sỹ Albert Rösti khẳng định, nước này không cần thỏa thuận về điện với Liên minh châu Âu (EU) “bằng bất cứ giá nào”. Theo ông Rösti, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ lớn nào trong các cuộc đàm phán chung với EU chỉ vì thỏa thuận về điện. Bộ trưởng Rösti cho biết, Thụy Sỹ và EU sẽ đàm phán với quan điểm “thực tế” hơn vào năm 2025.
Về mặt vật lý, Thụy Sỹ là một phần của mạng lưới điện châu Âu nhưng Bern không lo ngại bị tác động từ cái gọi là “quy tắc 70%”. Trước đó, các nước thành viên EU đã thống nhất rằng, từ năm 2025, sẽ dành 70% công suất lưới điện để trao đổi với nhau. Thụy Sỹ muốn đạt được mục tiêu mở rộng nguồn điện tái tạo từ 3 đến 5 terawatt/giờ trong vòng 10 năm tới, điều được kỳ vọng giúp quốc gia châu Âu này tránh tình trạng thiếu điện vào mùa đông.
Bộ trưởng Rösti cho biết: “Điều quan trọng nhất là chúng ta thoát khỏi tình trạng thiếu hụt điện đang đe dọa vào mùa đông. Cách duy nhất để làm việc đó vào lúc này là sử dụng năng lượng mặt trời, thủy và phong điện. Chúng ta không có lựa chọn nào khác nhưng điều này sẽ đến vào năm 2030 hoặc 2035”.
Giảm nhập khẩu dầu giúp quốc gia Địa Trung Hải phục hồi kinh tế
Dữ liệu chính thức được Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 15/9, cho biết trong tháng 7/2023, nước này đã đạt thặng dư thương mại trong tháng thứ 6 liên tiếp do sự sụt giảm nhập khẩu dầu mỏ từ các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và năng lượng (khí đốt) từ Nga cao hơn so với mức giảm xuất khẩu.
Theo ISTAT, Italy ghi nhận mức thặng dư thương mại 6,375 tỷ euro (6,80 tỷ USD) trong tháng 7, so với mức thâm hụt 460 triệu euro của cùng kỳ năm trước. Cơ quan này cho biết kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7 đã giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ xu hướng giảm giá năng lượng và hàng hóa trung gian ngày càng mở rộng cả ở bên trong và bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Kim ngạch xuất khẩu của Italy trong tháng 7 cũng giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước, do doanh số bán các sản phẩm dược phẩm, hóa chất-y tế và thực vật sang Bỉ, sản phẩm kim loại sang Đức và các sản phẩm tinh chế sang Pháp và Mỹ giảm. Với các nước thuộc EU, Italy thặng dư thương mại trong tháng 7 là 1,331 tỷ euro, so với mức thặng dư 2,367 tỷ euro của cùng kỳ năm 2022.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/