Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp thay thế than cốc, xăng dầu; OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu; Argentina muốn thu hút 90 tỷ USD đầu tư vào sản xuất hydro sạch… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 13/9/2023.
Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp thay thế than cốc, xăng dầu
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ Công Thương, hydrogen hiện nay chưa được sử dụng cho mục đích năng lượng. Do đó, năng lượng hydrogen chưa đóng vai trò trong cân bằng cung cầu năng lượng quốc gia. Với việc sử dụng năng lượng hydrogen, than cốc, xăng dầu có thể được thay thế để giảm phát thải CO2.
Với những điểm nổi bật trên, Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen là cần thiết. Việc này nhằm đưa ra định hướng, lộ trình phát triển năng lượng hydrogen trong tương lai, bảo đảm phù hợp với lộ trình phát triển năng lượng quốc gia và điều kiện kinh tế – xã hội tại Việt Nam.
OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu toàn cầu
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 và năm 2024 dựa trên kỳ vọng các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ hoạt động tốt hơn. Theo đó, nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, so với mức dự báo tăng 2,44 triệu thùng/ngày của năm 2023.
Báo cáo của OPEC đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, đặc biệt nhờ sự phục hồi của các lĩnh vực du lịch và hàng không. OPEC cũng xác định động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 vẫn ổn định bất chấp nhiều thách thức, bao gồm lạm phát cao, lãi suất ngày càng tăng và những căng thẳng địa chính trị.
Báo cáo của OPEC cũng cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 sẽ vượt các mức trước đại dịch Covid-19. Trong nỗ lực nhằm ổn định thị trường dầu mỏ, OPEC và các đồng minh (OPEC+) đã bắt đầu hạn chế nguồn cung từ cuối năm 2022. Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023, giá dầu Brent đã vượt mức 90 USD/thùng vào tuần trước.
Argentina muốn thu hút 90 tỷ USD đầu tư vào sản xuất hydro sạch
Chính phủ Argentina ngày 12/9 công bố lộ trình chiến lược nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất hydro sạch, với mục tiêu thu hút 90 tỷ USD vốn đầu tư từ nay đến năm 2050.
Lộ trình đặt mục tiêu đến năm 2050, tổng sản lượng hydro phát thải thấp tại Argentina sẽ đạt ít nhất 5 triệu tấn/năm. Khoảng 80% sản lượng hydro sạch sẽ dành cho xuất khẩu. Phần còn lại sẽ dành cho thị trường nội địa, trong đó tập trung đáp ứng nhu cầu của các ngành sản xuất nhiên liệu tổng hợp, công nghiệp thép, hóa dầu và lọc dầu.
Để đạt được các mục tiêu này, Argentina cần phải lắp đặt thêm ít nhất 30 gigawatt (GW) công suất điện phân và 55 GW điện tái tạo, đồng nghĩa với việc tăng gấp 11 lần sản lượng năng lượng tái tạo hiện tại và tăng gấp đôi tổng sản lượng điện tại quốc gia Nam Mỹ này.
Nga dự kiến xây dựng nhà máy điện khí tại Nam Phi
Bộ Năng lượng Nga cho biết Nga và Nam Phi đã thảo luận về các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm việc xây dựng một nhà máy điện khí và khả năng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga để vận hành hiệu quả nhà máy phát điện mới.
Hai bên cũng thảo luận về mối quan hệ hợp tác hiện nay trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, đồng thời lưu ý rằng sự hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp của thiết bị dầu khí có thể trở thành một lĩnh vực mới đầy hứa hẹn. Hai bên đề cập đến vấn đề tiêu thụ điện ngày càng gia tăng ở Nam Phi, đòi hỏi phải phát triển năng lực sản xuất.
Ngoài ra, hai bên đã thảo luận về triển vọng hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực điện năng, đặc biệt lưu ý rằng việc triển khai các dự án liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo của các công ty Nga tại Nam Phi đang được tiến hành theo đúng kế hoạch. Việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than của Nam Phi, hiện đang hoạt động với một nửa công suất khả dụng, cũng đã được thảo luận.
Dự án LNG hồi sinh của Iran đã hoàn thành gần 50%
Các công trình xây dựng tại dự án LNG hồi sinh của Iran đã hoàn thành gần 50%, nước cộng hòa Hồi giáo này cho biết. Cụ thể, Abdolhossein Bayat, Chủ tịch Công ty đầu tư quỹ hưu trí ngành dầu mỏ Opic, cho biết: “Tiến độ của dự án này hiện ở mức gần 50%”.
Dự án ở tỉnh Bushehr phía nam Iran đã được khởi động lại vào tháng 3 năm nay. Dự án LNG này của Iran dự kiến có công suất 10,8 triệu tấn/năm. Cộng hòa Hồi giáo đặt mục tiêu đưa dự án này vào hoạt động vào giữa năm 2025, khi nhiệm kỳ của chính quyền Iran hiện tại kết thúc.
Theo Văn phòng Tổng thống Ebrahim Raisi, dự án có diện tích 200 ha và sẽ bao gồm hai dây chuyền sản xuất LNG hoạt động với tổng công suất hằng năm là 10,8 triệu tấn, ngoài LNG sẽ sản xuất các sản phẩm khác như LPG, khí ngưng tụ và lưu huỳnh. Nếu dự án diễn ra theo đúng kế hoạch thì đây sẽ là nhà máy LNG đầu tiên của Cộng hòa Hồi giáo.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/