58 dự án năng lượng chuyển tiếp được phê duyệt giá tạm; Iraq đạt được thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran; Dòng chảy dầu thô Nga chậm lại sau tuyên bố cắt giảm sản lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/7/2023.
Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra EVN
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức công bố Kết luận thanh tra số 4463/KL-BCT của Bộ trưởng Công Thương về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện.
Kết luận thanh tra đã chỉ 5 tồn tại, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan, gồm: Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; Chậm khắc phục sự cố nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; Không chấp hành nghiêm các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, làm bị động trong chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng; Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối; Vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023; Để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023, cắt điện đột ngột, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất – kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, các đơn vị liên quan… căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các bộ phận, cá nhân có liên quan.
Dự báo miền Bắc tuần tới sẽ không cảnh cắt điện luân phiên
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), tuần qua nhiệt độ miền Bắc ở mức 37- 38 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài (từ ngày 29/6) nên phụ tải điện miền Bắc đã ghi nhận mức công suất và sản lượng cao kỷ lục là 465,9 triệu kWh – tăng 104% so với cùng kỳ năm trước và công suất đỉnh hệ thống điện Pmax đạt 23.094 MW, tăng 103%.
Dự kiến tuần 10/7 – 15/7, miền Bắc bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài với mức nhiệt 37-39 độ C. Nhiệt độ tăng kéo theo phụ tải cũng sẽ tăng cao, dự kiến sản lượng tiêu thụ của miền Bắc đạt 102,3%.
Mặc dù phụ tải tăng cao kỷ lục nhưng do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và tình hình thủy văn các hồ miền Bắc đã được cải thiện nên tình hình cung cấp điện trong tuần qua vẫn được đảm bảo tốt. Trong tuần tới, nếu không có sự cố đặc biệt, dự báo miền Bắc sẽ không có tái diễn cảnh cắt điện luân phiên.
58 dự án năng lượng chuyển tiếp được phê duyệt giá tạm
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 11/7, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86 MW gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó có 59 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá; 58/59 dự án đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA; 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW đã được phê duyệt giá tạm.
Ngoài ra, có 14 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 686,12MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. 20 dự án đã được nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 15 dự án với tổng công suất 882,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Cũng theo EVN, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm công nhận vận hành thương mại (COD) đạt khoảng 95,7 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Iraq đạt được thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al Sudani ngày 11/7 thông báo nước này đã ký kết một thỏa thuận đổi dầu thô lấy khí đốt với Iran, động thái sẽ giúp chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung cấp khí đốt cần thiết để vận hành các nhà máy điện ở Iraq.
Vị Thủ tướng cho biết Iran đã cắt giảm hơn 50% sản lượng xuất khẩu khí đốt sang Iraq kể từ ngày 1/7 sau khi Baghdad không đảm bảo được sự chấp thuận của Mỹ để trả các khoản nợ, nhưng Tehran hiện đã đồng ý nối lại xuất khẩu khí đốt để đổi lấy dầu thô. Theo Thủ tướng Sudani, bằng cahs này , Iraq sẽ tránh được việc cắt điện liên tục vào mỗi mùa hè trong khi nỗ lực hoàn thành các dự án khai thác và thu giữ khí đốt giúp nước này tự cung tự cấp.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về thỏa thuận trao đổi được báo cáo giữa Iraq và Iran, và không nói rõ rằng một thỏa thuận như vậy có vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hay không. “Không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Iran hoặc Iraq và Chính quyền Biden tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran”, người phát ngôn nói và cho biết thêm rằng Washington “ủng hộ mạnh mẽ con đường đạt được quyền tự chủ về năng lượng của Iraq”.
Dòng chảy dầu thô Nga chậm lại sau tuyên bố cắt giảm sản lượng
Sau tuyên bố cắt giảm sản lượng, trong 4 tuần tính đến ngày 9/7, các chuyến hàng dầu thô qua các cảng phía Tây của Nga lần đầu tiên giảm đáng kể xuống dưới mức trung bình của tháng 2. Đồng thời, lưu lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển trên toàn quốc đã giảm xuống còn 2,86 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 9/7.
Khối lượng xuất khẩu giảm dần đang làm suy yếu doanh thu của Điện Kremlin từ thuế xuất khẩu, vốn đã giảm 29% vào tuần trước so với trước đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tinh chỉnh các chỉ số hiện có và thiết lập các chỉ số bổ sung để tính giá dầu cho các mục đích tính thuế nhằm giảm mức chiết khấu so với giá dầu thô toàn cầu.
Chính phủ Nga tính thuế dầu bằng cách giảm giá dầu Brent, đặt giá sàn cho dầu thô của quốc gia cho các mục đích ngân sách. Nếu dầu của Nga giao dịch trên ngưỡng đó, Bộ Tài chính sẽ sử dụng giá thị trường để tính thuế, như đã xảy ra trong những tháng gần đây. Từ tháng 7, mức chiết khấu hiện được đặt ở mức 25 đô la/thùng, mặc dù hiện tại mức chiết khấu này có thể bị thu hẹp.