Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu không được để thiếu nguồn cung
Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Theo đó, Bộ này yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện nghiêm túc đầy đủ tổng nguồn cung tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
Ngoài ra, các đơn vị chủ động nguồn hàng cả trong nước và nhập khẩu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.
EVN sẽ xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió để lấy ý kiến. Theo đó, thông tư quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành khung giá phát điện hàng năm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi.
Đối tượng áp dụng tại dự thảo thông tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cá nhân, tổ chức tham gia triển khai đầu tư, xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió, điện sử dụng chất thải rắn, điện sinh khối (trừ các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT). Giá phát điện của nhà máy điện mặt trời chuẩn, điện gió chuẩn được tính bằng giá cố định bình quân cộng với giá vận hành bảo dưỡng cố định.
Về phương pháp xây dựng khung giá phát điện tương tự như phương pháp xây dựng khung giá áp dụng cho các dự án chuyển tiếp quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT, chỉ khác về lựa chọn thông số đầu vào để tính toán khung giá. Theo dự thảo này, trước ngày 1/11 hàng năm, EVN có trách nhiệm tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số nhà máy điện mặt trời chuẩn, nhà máy điện gió chuẩn và tính toán giá phát điện của các nhà máy này theo quy định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt.
EU nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng kỷ lục từ Nga
Bất chấp mục tiêu thoát phụ thuộc Nga về nhiên liệu hóa thạch vào năm 2027, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã chi gần 5,3 tỷ euro (5,7 tỷ USD) để mua hơn 1/2 tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu của Nga trong 7 tháng đầu năm 2023, trong đó Tây Ban Nha và Bỉ là những khách hàng lớn thứ hai và thứ ba trên toàn thế giới (sau Trung Quốc), theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Global Witness.
Phân tích của Global Witness công bố hôm 30/8, dựa trên dữ liệu từ công ty phân tích Kpler, cho thấy, nhập khẩu loại khí siêu lạnh này của EU đã tăng 40% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mức tăng đột biến nêu trên xuất phát từ thực tế rằng trước xung đột, EU đã không nhập khẩu nhiều LNG vì khối này phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt đường ống từ Nga. Nhưng mức tăng này mạnh hơn nhiều so với mức tăng nhập khẩu trung bình toàn cầu đối với LNG Nga, là 6% so với cùng kỳ, Global Witness cho biết. Ngoài ra, phân tích cũng cho thấy EU đang nhập khẩu LNG Nga nhiều hơn khoảng 1,7% so với thời điểm nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng của EU giảm thấp
Nhiên liệu hóa thạch chỉ tạo ra 33% điện của Liên minh châu Âu (EU) trong nửa đầu năm nay, tỷ trọng thấp nhất kể từ mức kỷ lục năm 1990, các nhà nghiên cứu cho biết hôm 30/8.
Viện nghiên cứu Ember cho biết lý do chính là nhu cầu điện thấp hơn, đồng nghĩa với việc sản lượng năng lượng tái tạo tăng lên có thể đáp ứng mức nhu cầu điện lớn hơn. Thời tiết ôn hòa, chính sách cắt giảm tiêu thụ và giá khí đốt và điện cao, sau khi Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu vào năm ngoái, đã khuyến khích các ngành công nghiệp và người tiêu dùng hạn chế sử dụng năng lượng.
Ember cũng cho biết, trên khắp 27 quốc gia thành viên EU, sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm 17% trong nửa đầu năm nay so cùng kỳ năm 2022. Than, nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều CO2 nhất, có mức giảm mạnh nhất. Sản lượng điện sạch tăng lên khi các quốc gia tiếp tục lắp đặt các trang trại gió và tấm pin mặt trời.
Gazprom thử nghiệm tuyến đường biển phía Bắc tới châu Á
Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã vận chuyển lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên từ nhà máy của họ trên bờ Biển Baltic qua tuyến đường biển phía Bắc, theo dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv.
Nhà máy Portovaya của Gazprom, tây bắc Nga, đang thử nghiệm tuyến đường biển phía Bắc (NSR) bằng lô hàng đầu tiên, khi Moscow tìm cách chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang các thị trường thay thế.
Dòng chảy LNG của Nga dự kiến sẽ tăng qua tuyến đường này sau khi nhà máy LNG 2 Bắc Cực của Novatek ở Tây Siberia và trạm trung chuyển Kamchatka ở Viễn Đông khánh thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc vận chuyển LNG thường xuyên từ các kho cảng ở phía tây bắc Nga có vẻ khó xảy ra do thiếu hụt các tàu chở LNG phá băng.
Theo dữ liệu trên, tàu chở dầu Velikiy Novgorod đã được nạp LNG từ nhà máy LNG Portovaya vào ngày 14/8. Tính đến ngày 15/8, con tàu đang di chuyển ở Biển Barents ở Bắc Cực. Điểm đến cuối cùng của lô hàng này là Trung Quốc.