Cần 113,3-134,7 tỷ USD để đầu tư cho phát triển điện lực đến năm 2030; Năng lượng gió và mặt trời sẽ cung cấp hơn 1/3 sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030; Ba Lan và Romania tăng sử dụng tiền từ quỹ EU cho khí đốt… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/7/2023.
Cần 113,3-134,7 tỷ USD để đầu tư cho phát triển điện lực đến năm 2030
Bộ Công Thương mới có Tờ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó đưa ra danh mục các dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.
Theo tờ trình, tổng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 86.500 ha. Trong đó, giai đoạn 2022-2025 khoảng 46.236 ha và giai đoạn 2026-2030 đạt 40.202 ha. Nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng khoảng 111.600 ha giai đoạn tới năm 2030.
Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 113,3-134,7 tỷ USD. Trong đó vốn đầu tư cho phần nguồn điện khoảng 98,6-119,8 tỷ USD (87-88,9%) và vốn đầu tư cho lưới điện khoảng 14,6-14,9 tỷ USD (11,1-12,9%). Vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9,0 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD.
Tuần tới sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc
Từ ngày 7-13/7, nhiệt độ miền Bắc nắng nóng gay gắt (37-38 độ C), nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục. Về phụ tải toàn quốc, sản lượng trung bình ngày đạt 920,7 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 39,9 triệu kWh; công suất cực đại trong tuần đạt 45.474 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay, cao hơn 1.723 MW so với tuần trước.
Theo Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, sự cố và hiện tượng suy giảm công suất ở các nhà máy nhiệt điện đã được khắc phục kịp thời, tình hình thủy văn các hồ miền Bắc được cải thiện. Cùng với đó, việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện được đảm bảo, huy động từ các dự án năng lượng tái tạo tốt nên tình hình cung cấp điện trong tuần qua được đảm bảo.
Dự báo về tình hình cung ứng điện tuần tới, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực nhận định nhu cầu sử dụng điện từ 15/7-21/7 tiếp tục tăng cao, nhưng do chủ động được nguồn cung ứng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc.
Nhật Bản siết chặt hợp tác an ninh năng lượng với Trung Đông
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 16/7 bắt đầu chính thức lịch trình thăm Trung Đông tới Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Qarta. Mục đích là tăng cường hợp tác với các nước Trung Đông trong việc đảm bảo cung cấp ổn định nguồn năng lượng trong tương lai.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trước khi lên máy bay, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết 3 nước Trung Đông này không chỉ là đối tác rất quan trọng trong lĩnh vực an ninh năng lượng của Nhật Bản mà còn là nơi để thúc đẩy hợp tác chính trị và kinh tế. Do đó, trong các cuộc hội đàm, Nhật Bản mong muốn tăng cường hợp tác chặt chẽ nhằm thực hiện an ninh năng lượng toàn cầu…
Ả Rập Xê-út hiện đang đang cung cấp 40% lượng dầu thô cho Nhật Bản. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đang cung cấp khoảng gần 40% lượng dầu thô cho Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại đây và hưởng lợi ích từ việc cung cấp dầu thô này. Còn Qarta, tuy chỉ cung cấp khoảng 10% lượng dầu thô cho Nhật Bản, nhưng lại là nước cung cấp chủ yếu lượng gas thiên nhiên hóa lỏng cho Nhật Bản.
Ba Lan và Romania tăng sử dụng tiền từ quỹ EU cho khí đốt
Theo một báo cáo gần đây của Bankwatch, Chính phủ Ba Lan và Romania có kế hoạch tăng mạnh đầu tư thông qua các quỹ của Liên minh châu Âu (EU), bao gồm chính sách gắn kết, kế hoạch phục hồi và quỹ hiện đại hóa và chi gần 4 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng khí đốt mới và các dự án tăng mức tiêu thụ khí đốt.
Tại Ba Lan, các nhà chức trách đang có kế hoạch thu hơn 2 tỷ euro vào năm 2027 từ nguồn tài trợ của EU cho các dự án nhằm nhập khẩu và vận chuyển khí đốt hóa thạch cũng như mở rộng hệ thống sưởi bằng khí đốt. Chúng bao gồm nhà ga Khí tự nhiên hóa lỏng mới, mạng lưới truyền tải và phân phối mới và các chương trình trợ cấp cho nồi hơi gas trong các tòa nhà.
Chính phủ Romania cũng đã dành hơn 1,7 tỷ euro cho các dự án khí hóa thạch trong cùng thời kỳ. Các khoản phân bổ này dự kiến sẽ tăng lên khi nhiều cuộc gọi tài trợ hơn từ quỹ hiện đại hóa sẽ được thực hiện, từ đó Romania có thể tiếp cận 14 tỷ euro vào năm 2030. Vào cuối tháng 5/2023, các khoản giải ngân mới đã được thực hiện và Romania nhận được 93 triệu euro khác cho đường ống dẫn khí đốt.
Năng lượng gió và mặt trời sẽ cung cấp hơn 1/3 sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030
Viện Rocky Mountain (RMI) của Mỹ mới đây đã công bố một báo cáo cho biết, các dự án năng lượng mặt trời và gió đang trên đà chiếm hơn 1/3 sản lượng điện của thế giới vào năm 2030, báo hiệu rằng ngành năng lượng có thể đạt được sự thay đổi cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Báo cáo của Viện Rocky Mountain cũng nêu rõ, tăng trưởng ngành theo cấp số nhân, có nghĩa là các dự án năng lượng mặt trời và gió được dự đoán sẽ tạo ra ít nhất 33% điện năng toàn cầu, tăng từ mức khoảng 12% hiện nay, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo cho biết thêm, chi phí năng lượng mặt trời, vốn đã là hình thức sản xuất điện rẻ nhất, sẽ giảm giá xuống mức thấp nhất là 20 USD/MWh từ khoảng 40 USD/MWh giờ hiện nay, khi nhiều dự án được triển khai và quy mô kinh tế được cải thiện.