EVN đồng ý phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện/lần; Các nhà máy lọc dầu châu Á gặp khó khi Kuwait giảm xuất khẩu dầu thô; Trung Quốc lại tăng mạnh nhập khẩu khí đốt của Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/8/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
EVN đồng tình phương án 3 tháng điều chỉnh giá điện/lần
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có góp ý về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24 của Thủ tướng, quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. EVN đồng tình với các nội dung dự thảo Quyết định sau khi hiệu chỉnh như tinh thần đã trao đổi tại cuộc họp ngày 7/8 giữa Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và EVN.
Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên thì được phép điều chỉnh giảm, tăng từ 3% thì được điều chỉnh tăng. Nếu giá bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền quyết định khi nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN.
Trường hợp giá bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các nhà máy lọc dầu châu Á gặp khó khi Kuwait giảm xuất khẩu dầu thô
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Kuwait sang Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ giảm hơn 17% trong cùng kỳ, trong khi khối lượng xuất khẩu sang Pakistan, Philippines và Thái Lan giảm xuống zero. Trong nửa cuối năm, Kuwait sẽ giảm xuất khẩu tới 300.000 thùng/ngày, giảm 18% so với nửa đầu năm, do nước này chuyển nguồn cung sang nhà máy Al Zour 615.000 thùng/ngày.
Động thái giảm xuất khẩu của Kuwait diễn ra sau khi Saudi Arabia, nước dẫn đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ của (OPEC), tự nguyện giảm sản xuất 1 triệu thùng dầu mỗi tháng trong những tháng gẩn đây, khiến giá dầu Brent lên gần 90 đô la/thùng. Vì vậy, nguồn cung càng eo hẹp đối với các máy lọc dầu châu Á, có 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu phụ thuộc vào các nước Trung Đông.
Các nhà máy lọc dầu châu Á đang săn tìm dầu thô thay thế nguồn cung của Kuwait khi nước này cắt giảm xuất khẩu gần 20% để phục vụ nhu cầu của một nhà máy lọc dầu khổng lồ mới trong nước. Quyết định của Kuwait đang đẩy giá các loại dầu thô chua khác lên cao và có khả năng làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở châu Á.
Trung Quốc lại tăng mạnh nhập khẩu khí đốt của Nga
Trung Quốc đã tăng cường mua cả khí đốt đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7, theo dữ liệu công bố hôm 20/8 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Chỉ riêng trong tháng 7, Trung Quốc đã mua khí đốt đường ống trị giá 555,57 triệu USD của Nga.
Trung Quốc nhận được phần lớn khí đốt của Nga thông qua đường ống khổng lồ Power of Siberia. Đầu tháng này, công ty năng lượng lớn của Nga Gazprom đã báo cáo việc thiết lập một kỷ lục mới về lượng khí đốt hàng ngày được vận chuyển qua tuyến đường này vào ngày 31/7. Hai nước cũng đang làm việc trong dự án năng lượng Power of Siberia 2, bao gồm việc xây dựng thêm một tuyến đường dẫn khí đốt đến Trung Quốc qua Mông Cổ.
Trong khi đó, dữ liệu hải quan cho thấy Bắc Kinh cũng tăng đáng kể lượng mua LNG của Nga trong 7 tháng đầu năm nay. Lượng giao hàng lên tới 4,46 triệu tấn trị giá 2,98 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến Moscow trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của Trung Quốc trong kỳ báo cáo sau Australia (13,5 triệu tấn) và Qatar (9,51 triệu tấn).
Saudi Aramco và Microsoft tài trợ công nghệ lưu trữ năng lượng xanh
Các nhà đầu tư bao gồm ông trùm dầu mỏ Saudi Aramco và gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã tài trợ Rondo Energy – công ty khởi nghiệp ở California với kế hoạch giúp ngành công nghiệp cắt giảm lượng khí thải bằng cách lưu trữ năng lượng tái tạo dư thừa trong những viên gạch siêu nóng, Upstream Online đưa tin. Cụ thể, khoản đầu tư là 60 triệu USD từ Quỹ đổi mới khí hậu của Microsoft, Aramco Ventures và tập đoàn khai thác đa quốc gia Anh – Australia Rio Tinto.
Rondo cho biết hệ thống của họ được thiết kế để đưa vào các cơ sở hiện có hoặc cung cấp năng lượng cho các công trình mới, đồng thời cung cấp một giải pháp nhanh chóng với chi phí thấp để khử carbon và giảm chi phí vận hành. Các viên gạch có thể vừa “sạc” và đồng thời cung cấp nhiệt có tuổi thọ 50 năm.
Rondo có kế hoạch đưa pin nhiệt của mình vào các quy trình công nghiệp, từ sản xuất thép đến thức ăn trẻ em. Công ty nói rằng các ngành công nghiệp này yêu cầu nhiệt độ cao, tiêu thụ 1/4 năng lượng thế giới và thải ra 1/4 ô nhiễm carbon toàn cầu.
Petrobras cùng đối tác Nhật Bản làm dự án thu hồi carbon tại các giàn khoan ngoài khơi
Tập đoàn năng lượng nhà nước Brazil Petrobras sẽ hợp tác với công ty hóa chất Nhật Bản Kureha để phát triển một phương pháp mới để thu giữ carbon dioxide từ các mỏ dầu ngoài khơi, Nikkei Asia đưa tin.
Kureha sẽ bắt đầu phát triển một chất xúc tác mới để sử dụng trong thiết bị thu giữ carbon trong năm tài chính này. Công ty có kế hoạch xây dựng một nguyên mẫu quy mô nhỏ của thiết bị vào năm tài chính 2024. Công nghệ này sẽ được thử nghiệm trong vòng vài năm tới tại một giàn khoan dầu của Petrobras ngoài khơi Brazil, cũng như tại các địa điểm khác.
Kureha đặt mục tiêu có phiên bản thương mại của công nghệ vào nửa cuối thập niên này, góp phần đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Petrobras sẽ xem xét áp dụng công nghệ này tại các cơ sở của mình. Công nghệ này sẽ là một ví dụ về thu hồi và sử dụng carbon, nhằm tìm cách đưa lượng khí thải thu được vào hoạt động thay vì lưu trữ chúng.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/